Trấn giữ Kinh châu Quan_Vũ

Tháng 12 năm 211, Lưu Bị mang quân vào Tây Xuyên, Quan Vũ được giao ở lại giữ Kinh Châu. Kinh châu thời Lưu Biểu nguyên có 7 quận, lúc đó chiến tranh qua lại giữa 3 phe Tào - Tôn - Lưu sau trận Xích Bích, mỗi bên còn giữ một phần: Lưu Bị có 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ (con cả Lưu Biểu); Tôn Quyền chiếm được Giang Lăng, nửa quận Giang Hạ và nửa Nam quận; Tào Tháo còn giữ lại quận Nam Dương và nửa Nam quận.[15] Sau khi Lưu Kỳ chết, Lưu Bị tiếp quản phần nửa quận Giang Hạ. Quan Vũ tiếp quản Kinh châu từ tay Lưu Bị với lãnh thổ 4 quận rưỡi.

Hội đàm với Lỗ Túc

Lưu BịTôn Quyền ngoài mặt là em rể và anh vợ[16] nhưng vẫn tranh chấp nhau vùng Kinh châu mà Lưu Bị mang tiếng "mượn" lâu ngày không trả.

Năm 214, nhân lúc Lưu Bị đã vào Tây Xuyên và điều động thêm nhiều quân cùng các tướng giỏi như Triệu VânTrương Phi, Tôn Quyền bèn sai Lỗ TúcLã Mông đánh mấy quận Kinh châu trong tay Quan Vũ. Quân Đông Ngô đông đảo, đánh chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa. Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa quận Giang Hạ và quận Vũ Lăng. Lưu Bị ở Ích châu được tin, thấy tình hình Kinh châu nghiêm trọng, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, sai Quan Vũ mang quân đi đánh Lã Mông và Lỗ Túc.

Tôn Quyền cũng đích thân từ Ngô quận tiến ra Lục Khẩu phòng thủ và sai Lỗ Túc dẫn quân ra Ích Dương. Quan Vũ và Lỗ Túc gặp nhau tại Ích Dương. Hai bên hội đàm trước trận. Lỗ Túc hỏi Quan Vũ:

Ba quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa là bên tôi cho các ông mượn, sao các ông không trả lại?

Quan Vũ đáp:

Trong trận Xích Bích - Ô Lâm, Tả tướng quân (Lưu Bị) thân trong bộ ngũ, cùng các ông nhất tề ra sức, phá được quân địch, sao không được chia mảnh đất nào?

Lỗ Túc nói tiếp:

Lần đầu tiên ta gặp Lưu Dự châu (Lưu Bị) của các ông ở Đương Dương Tràng Bản, quân số ông ta không đầy một hiệu, bản thân ông ta hết cách, muốn chạy nạn tới nơi xa. Chúa thượng bọn ta (Tôn Quyền) thương ông ta không nơi nương tựa nên cho ông ta chỗ yên thân (Kinh châu). Không ngờ Lưu Dự châu biết làm việc đạo đức lại vứt bỏ tình nghĩa, bây giờ đã có Ích châu lại muốn có cả Kinh châu. Đó là chuyện người thường cũng không nỡ làm, huống chi Dự châu sao có thể như thế?

Quan Vũ không trả lời được.[17] Hai bên thu quân trở về.

Việc hội đàm trong Tam Quốc Diễn Nghĩa được tác giả thêu dệt thành việc Quan Vũ "một đao tới hội" với Lỗ Túc và không có việc bị đuối lý với Lỗ Túc. Trong sự kiện hư cấu này, Quan Vũ đã dùng mưu trí và uy dũng của mình để thoát khỏi sự uy hiếp của quân Đông Ngô, bắt Lỗ Túc làm con tin, xem các tướng Ngô như trẻ nít. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, không phải Quan Vũ sang phó hội chỗ Lỗ Túc mà là Lỗ Túc đến chỗ Quan Vũ. Người “anh hùng gan dạ” ở đây không phải là Quan Vũ, mà chính là Lỗ Túc, La Quán Trung đã tráo đổi vai trò của hai người để tâng bốc Quan Vũ.

Khoét thịt không kêu

Tam quốc chí chép: Quan Vũ từng bị trúng tên, bắn xuyên cánh tay trái, sau vết thương tuy đã khỏi nhưng mỗi lúc mưa dầm trở gió, xương cốt vẫn thường đau nhức, thầy thuốc chẩn đoán rằng: “Mũi tên có thuốc độc, chất độc ấy thấm vào xương cốt, giờ phải khoét thịt ở cánh tay bị thương, nạo xương trừ bỏ chất độc, rồi sau mới điều trị được gốc bệnh.” Quan Vũ liền duỗi tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy, Vũ cùng chư tướng uống rượu nói chuyện, máu trên cánh tay chảy đầm đìa đầy cả chậu, mà ông vẫn cắt thịt nướng uống rượu, cười nói như không.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung cũng đưa vào chuyện này để nêu bật dũng khí của Quan Vũ. Tuy nhiên, La Quán Trung hư cấu thêm tình tiết Quan Vũ chịu khoét thịt trong lúc đánh cờ (chứ không chỉ nói chuyện và ăn uống), còn người thầy thuốc chính là Hoa Đà.

Giảng hòa rồi bất hòa

Năm 215, thấy tình hình bất lợi (Tào Tháo chiếm Hán Trung từ tay Trương Lỗ, uy hiếp Tây Xuyên) và không thể dùng vũ lực đoạt lại các quận đã mất, Lưu Bị đành phải nhượng bộ Tôn Quyền, đề nghị chính thức công nhận chủ quyền 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa cho Đông Ngô, xin đổi lấy Nam quận. Tôn Quyền chấp thuận giảng hòa, phân chia lại Kinh châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới. Quan Vũ tiếp nhận quận Giang Lăng, tướng của Tôn Quyền là Trình Phổ giao lại Giang Lăng, về giữ chức thái thú Giang Hạ. Tôn Quyền giao thêm phần nửa Nam quận cho Quan Vũ; đổi lại Quan Vũ chính thức giao lại quận Trường Sa và Quế Dương cho Tôn Quyền. Như vậy địa bàn Kinh châu của Quan Vũ từ năm 215 chỉ gồm có các quận Vũ Lăng, Giang Lăng và nửa Nam quận. Trên thực tế Quan Vũ vốn chỉ còn giữ được 1 quận và được Tôn Quyền bàn giao thêm 1 quận rưỡi.[18]

Tôn Quyền sau đó tiếp tục muốn củng cố tình thân với Lưu Bị, bèn sai sứ giả đến xin cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình. Tuy nhiên, Quan Vũ không nhận thức được tầm quan trọng của liên minh Tôn – Lưu như Gia Cát Lượng từng nhấn mạnh, không những ông từ chối mà còn nhục mạ Tôn Quyền. Ông quát vào mặt sứ giả Đông Ngô:

Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à!.[19]

Từ đó quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh châu lại căng thẳng hơn trước. Người duy nhất chủ trương giữ hòa khí với Lưu Bị là Lỗ Túc đã qua đời nên Tôn Quyền chủ trương ngả theo Tào Tháo để lấy toàn bộ Kinh châu.[20]

Vây hãm Tương Phàn

Cảnh Quan Vũ bắt tướng Bàng Đức

Năm 219, Lưu Bị đánh chiếm được Đông Xuyên từ tay Tào Tháo, lại đánh lui được đại quân Tào, tự xưng là Hán Trung vương. Quan Vũ được phong làm Tiền tướng quân và ban cho cờ tiết, lưỡi phủ việt.

Quan Vũ đem quân bắc tiến đánh Tào Tháo. Tháng 7 năm 219, Quan Vũ giao cho My Phương giữ Giang Lăng, Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An, còn mình khởi đại quân bắc phạt đánh Tào Tháo. Ông vây hãm thành Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ. Phàn Thành nguy cấp.

Tam Quốc Diễn Nghĩa có tình tiết hư cấu rằng Quan Vũ đánh chiếm được Tương Dương.

Đúng lúc đó thì Tôn Quyền muốn nhân cơ hội Quan Vũ rời Kinh châu để lấy toàn bộ Kinh châu, bèn sai người dâng thư đến xin quy phục Tào Tháo, giúp Tào giáp công đánh Quan Vũ ở mặt đông. Tào Tháo mừng rỡ, nhưng vẫn dùng quyền thuật: một mặt nhận cho Tôn Quyền đầu hàng, lĩnh chức Kinh châu mục; mặt khác lại mang thư đầu hàng của Quyền buộc vào tên, sai quân bắn vào trại của Quan Vũ. Việc làm đó của Tào Tháo đẩy Quan Vũ và Tôn Quyền vào thế không đội trời chung khiến Tào có thể ngồi nhìn hai bên đánh nhau mà vẫn có thể giải vây cho Phàn Thành, giữ yên được mặt nam. Tuy nhiên, Quan Vũ không hoàn toàn tin vào thư đó, cho rằng Tào Tháo lắm mưu mô, phao tin sai để lung lạc mình.[21]

Tháng 8 năm 219, mưa nhiều ngày không ngớt, nước sông Hán Thuỷ lên cao, tràn bờ gây ra lũ lụt. Bảy đạo quân Vu CấmBàng Đức đóng đồn ở phía bắc Phàn Thành bị nước dìm chết gần hết, số ít bỏ chạy thoát. Cả hai tướng định chạy trốn không được, đều lần lượt bị bắt. Vu Cấm sợ hãi đầu hàng Quan Vũ, còn Bàng Đức không chịu hàng nên bị Quan Vũ sai mang chém. Sau này con trai Bàng Đức trả thù cho cha đã giết sạch gia tộc Quan Vũ.[22]

Tam Quốc Diễn Nghĩa có tình tiết hư cấu rằng Quan Vũ dùng mưu kế khơi dòng nước, tạo ra lũ lụt.

Phàn Thành rất nguy cấp, nhiều chỗ trong thành bị nước sông làm sói lở, Tào Nhân và các tướng cố sức liều chết chống trả. Tại thành Tương Dương, Lã Thường cũng cố sức cầm cự trước sức tấn công của Quan Vũ. Hai thành bị ông vây ngặt, hoàn toàn không liên lạc được với nhau. Trước tình thế đó, các tướng Tào khác gồm thứ sử Kinh châu[23] là Hồ Tu, thái thú Nam Dương là Trù Phương đều đầu hàng Quan Vũ.

Tào Tháo rất lo lắng, toan tính thiên đô - dời Hán Hiến Đế khỏi Hứa Xương. Sau nghe lời Tư Mã Ý phân tích lợi hại, Tào Tháo mới quyết định không thiên đô, sai Từ Hoảng mang quân đi cứu Phàn Thành.

Quan Vũ nhân đà thắng trận, dẫn quân tiến sâu vào Hiệp Hạ,[24] kích động các bộ tộc thiểu số phản Tào. Nhiều lực lượng chống Tào ở phía nam Hứa Xương nhận ấn hiệu đi theo Quan Vũ. Trung nguyên rung động.

Bại trận bị giết

Viện binh cứu Phàn Thành bị tiêu diệt, Tào Tháo vội sai Từ Hoảng mang quân đi cứu. Trong khi Quan Vũ mải đánh Vu Cấm thì Tôn Quyền cũng sai Lã Mông mang quân đánh úp Kinh châu.

Thua bỏ Phàn Thành

Quan Vũ và Từ Hoảng đều là người quận Hà Đông, từ nhỏ đã quen biết nhau và quan hệ khá tốt.[25] Tuy nhiên khi ra trận lần đó, Từ Hoảng quyết thắng Quan Vũ.

Thục ký viết: Vũ cùng Hoảng khi xưa rất quí trọng nhau, lúc ấy trông xa nói chuyện, chỉ nói chuyện thường ngày, không nhắc việc quân. Chốc lát, Hoảng quay đầu ngựa truyền lệnh: "Ai lấy được đầu Vân Trường, thưởng 1000 cân vàng". Vũ lo sợ cuống cuồng, hỏi Hoảng rằng: "Đại huynh sao lại nói như vậy?" Hoảng đáp: "Ấy chỉ bởi việc nước mà thôi".

Từ Hoảng dương đông kích tây, phao tin đánh đồn Vi Trủng nhưng kỳ thực đánh đồn Tứ Trủng. Quan Vũ mắc mưu nên bị thua nặng. Ông phải hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui, quân bị rơi xuống sông Hán Thủy chết rất nhiều.

Bị mất Kinh Châu

Quan Vũ vốn hay yêu quý sĩ tốt nhưng lại coi thường các sĩ phu. Vì vậy hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân vẫn bất mãn với ông.[26] Lã Mông bất thần kéo đến, My Phương và Phó Sĩ Nhân theo lời thư dụ của Lã Mông, không giao chiến đã đầu hàng, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.

Quan Vũ thua trận chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất. Vợ con các tướng sĩ bị bắt sống cả, quân của Vũ tản mát hết. Ông vốn có thể chạy về phía tây bắc (gần Tây Xuyên) đến các quận Thượng Dung và Phòng Lăng, nhưng vì quan hệ với các tướng trấn giữ ở đó là Mạnh ĐạtLưu Phong không tốt[25] nên cùng đường phải chạy về phía nam ra Mạch Thành.[27] Đến nơi, ông lại biết tin tướng Đông Ngô là Lục Tốn đã đánh chiếm được Nghi Đô. Trong khi Quan Vũ chờ đợi viện binh thì Mạnh Đạt và Lưu Phong án binh không đến cứu.

Cái chết

Tháng chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng ông. Trong tình thế bị quân Ngô truy kích, Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự, nên một mặt giả vờ đầu hàng, sai một số quân ở lại giương cờ trắng trên thành, còn mình dẫn hơn 10 quân kỵ theo đường nhỏ đổi hướng chạy lên phía bắc, hy vọng men theo đường núi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Tôn Quyền để tới Ích châu hoặc Hán Trung (địa bàn của Lưu Bị).

Khi Quan Vũ chạy tới Lâm Thư[28] thì bị tướng Ngô là Chu NhiênPhan Chương chặn đường. Chu Nhiên để sổng Vũ, nhưng bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Vũ mang về. Cả Quan Vũ và Quan Bình cùng bị hành quyết tại chỗ.[29]

Tam Quốc Diễn Nghĩa có các tình tiết hư cấu kể rằng hai cha con họ Quan được giải từ Mạch Thành về đến tận kinh đô của Đông Ngô là Kiến Nghiệp. Tôn Quyền cố chiêu hàng Quan Vũ nhưng không được, lại bị Vũ chửi mắng nên mới ra lệnh chặt đầu Vũ và Bình. Thủ cấp của hai cha con lại được đưa từ Kiến Nghiệp trở lại Mạch Thành, sau khi nhìn thấy thì Châu Thương (nhân vật hư cấu) nhảy xuống thành tự sát theo chủ. Đầu của Quan Vũ sau đó lại tiếp tục được đưa từ Mạch Thành tới Lạc Dương dâng cho Tào Tháo, nhưng đến lúc đó vẫn tươi y như khi còn sống.Thanh long đao của Quan Vũ (không có thật) bị Phan Chương lấy mất, còn ngựa Xích Thố (ngựa của Lã Bố, chưa bao giờ thuộc về Quan Vũ) được thưởng cho Mã Trung. Sau này hồn ma của Quan Vũ hiện lên để giúp con trai Quan Hưng giết Phan Chương đoạt lại đao. (Quan Hưng thật ra là quan văn, bị chết yểu, qua đời trước Phan Chương.)

Tào Tháo hậu táng

Tôn Quyền sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng chư hầu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tào Tháo đã phụ nhiều người, nhưng chưa từng phụ Quan Vũ.[30] Mặt khác việc làm đó còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ: Tôn Quyền nộp đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để muốn thiên hạ biết rằng mình giết Vũ theo lệnh Tào Tháo, khiến Lưu Bị chĩa mũi nhọn vào họ Tào; nhưng Tào Tháo trọng táng Quan Vũ lại cho ra thông điệp khác: Tôn Quyền tự ý giết ông. Tào Tháo đã giải toả được sự hiềm nghi của mọi người và lái được mũi nhọn của Lưu Bị trở lại phía Tôn Quyền.[31]

Tam Quốc Diễn Nghĩa thêu dệt nên chuyện rằng: "Ngày Tôn Quyền mở tiệc khao Lã Mông, hồn ông đã quay về giết chết Lã Mông. Vì hoảng sợ và để ly gián Ngụy và Thục nên đem đầu ông đến nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo mở hộp đựng đầu Quan Vũ ra nhìn, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn; vì vậy Tào Tháo hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu và không lâu sau cũng chết". Câu chuyện này dựa trên một phần thực tế về cái chết của Lã Mông. Không lâu sau khi đánh chiếm được Kinh châu cho Tôn Quyền và giết Quan Vũ, Lã Mông trở về cũng ốm nặng, không ăn uống được gì và qua đời.[32]

Lúc Quan Vũ bị hành quyết không rõ bao nhiêu tuổi. Tam Quốc diễn nghĩa ghi ông thọ 58 tuổi, tức là sinh năm khoảng 162, nhưng các nhà sử học không xác nhận thông tin này là chính xác.[33] Sau này, Lưu Bị vì mối thù Quan Vũ đã mang quân đi đánh Tôn Quyền (năm 221), kết quả bị thua tan nát.